Sở Công Thương có ý kiến như sau:
1. Một số từ ngữ cần giải thích:
a) Hoạt động kinh doanh khí:
Tại khoản 5, Điều 3, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định: “Hoạt động kinh doanh khí là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các hoạt động; sản xuất, chế biến; xuất khẩu, nhập khẩu; mua bán khí; nạp, cấp khí; tạm nhập, tái xuất; cho thuê bồn chứa, chai chứa khí, kho chứa LPG chai, cầu cảng; giao nhận và vận chuyển khí nhằm mục đích sinh lời”.
b) Cơ sở kinh doanh khí:
Tại khoản 16, Điều 3, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định: “Cơ sở kinh doanh khí bao gồm: thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân xuất, nhập khẩu khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng xuất, nhập khẩu khí, bồn chứa khí, kho chứa LPG chai, phương tiện vận chuyển khí; trạm nạp, trạm cấp khí; cửa hàng bán lẻ LPG chai; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG; thương nhân sản xuất chai LPG mini”.
Từ những quy định trên thì thương nhân dầu mối, tổng đại lý, đại lý không được quy định trong Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí.
2. Trả lời các câu hỏi của Chi nhánh Công ty Khí hóa lỏng Cội Nguồn Việt Nam tại Cam Ranh:
a) Về tổ chức mua, bán khí; ký hợp đồng mua bán khí của thương nhân kinh doanh mua bán khí:
- Đối với thương nhân sản xuất, nhập khẩu LPG/LNG/CNG: “Được tổ chức mua, bán LPG/LNG/CNG và LPG chai theo hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp” được quy định tại Khoản 3, Điều 20.
- Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí:
+ “Được tổ chức mua, bán LPG/LNG/CNG và LPG chai theo hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp” được quy định tại Khoản 3, Điều 20.
+ “Ký hợp đồng mua bán khí với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân kinh doanh mua bán khí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực hoặc thương nhân sản xuất, chế biến khí” tại Khoản 3, Điều 22 quy định.
- Đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai: “Chỉ được bán LPG chai của thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực mà cửa hàng đã ký hợp đồng còn hiệu lực” được quy định tại khoản 3, Điều 32.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên thì cơ sở kinh doanh khí được phép ký hợp đồng mua bán khí với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực.
b) Về điều khoản chuyển tiếp: Tại Khoản 1, Điều 60, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định: “Các thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận”.
Do đó, thương nhân chỉ thực hiện việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện khi Giấy chứng nhận hết thời hạn.
c) Về cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Tại điểm a, Khoản 2, Điều 45, trong Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định: “Giấy chứng nhận đủ điều kiện được điều chỉnh trong trường hợp: Thay đổi về đăng ký kinh doanh; thay đổi địa điểm trụ sở chính; thay đổi thông tin liên quan đến thương nhân đăng ký”.
Theo đó, cơ sở kinh doanh khí chỉ thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khi có thay đổi về đăng ký kinh doanh; thay đổi địa điểm trụ sở chính; thay đổi thông tin liên quan đến thương nhân đăng ký.