Lương Bảo Nguyên

Kiến nghị về việc: Hướng dẫn áp dụng chế độ hỗ trợ người tai nạn trên đường đi làm về

50x50
Nội dung kiến nghị:

- Để có cơ sở giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn trên đường về trong tuyến đường và thời gian hợp lý, kính đề nghị Sở Lao động hướng dẫn để thực hiện đúng chế độ cho người lao động. Cụ thể như sau: Người lao động bị tai nạn trên đường đi làm về ở tuyến đường và khoảng thời gian hợp lý. Nguyên nhân tai nạn được Công an xã Phước Minh xác nhận là "Do điều kiện đường tối, bị ánh đèn của xe đi ngược chiều làm hạn chế tầm nhìn nên tự té xe gây chấn thương ở ngón tay bàn tay trái, rách da 02 khuỷu tay". - Được Đoàn điều tra tai nạn của Công ty kết luận "Nguyên nhân khách quan, không do lỗi của người sử dụng lao động và người lao động" và được kết luận về vụ tai nạn là "Tai nạn được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 2, Điều 39 Luật an toàn vệ sinh lao động" - Khi xảy ra tai nạn, Công ty đã hoàn thành trách nhiệm với người lao động theo khoản 1, điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động, đã kịp thời sơ, cấp cứu, tạm ứng các khoản chi phí sơ, cấp cứu và điều trị cho người lao động. - Vậy, Công ty có trách nhiệm đối với người lao động theo khoản 2. khoản 3 và trợ cấp 1 lần theo khoản 5 điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động hay không? Cụ thể là: 1) Thanh toán các khoản chi phí đồng chi trả và các khoản không năm trong danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế. 2) Trả đủ tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ điều trị. 3) Trợ cấp 1 lần cho người lao động bằng 40% mức bồi thường tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động. Kính mong Quý cơ quan phúc đáp nội dung trên để Công ty có cơ sở giải quyết cho người lao động

50x50
Đơn vị trả lời: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Ngày trả lời: 10/01/2024

Trả lời kiến nghị:

Căn cứ nội dung do ông (bà) Lương Bảo Nguyên trình bày (không đính kèm hồ sơ vụ việc) và đối chiếu quy định tại Luật An toàn, Vệ sinh lao động 2015. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phúc đáp như sau:

1. Về trách nhiệm của Người sử dụng lao động đối với Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đầy đủ theo quy định tại Điều 38 của Luật An toàn, Vệ sinh lao động 2015.

2. Về nội dung ông (bà) Lương Bảo Nguyên trình bày không thể hiện rõ việc Người lao động bị tai nạn lao động có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định hay không? Nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thì Người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Người lao động hay chưa? Để đảm bảo Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: Tại Khoản 4 Điều 39 của Luật An toàn, Vệ sinh lao động 2015 quy định “Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động”.

- Căn cứ quy định trên, trong trường hợp Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Người lao động thì ngoài việc bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, Vệ sinh lao động, Người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế động bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định khi Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 


File đính kèm: Tải xuống