Chi tiết câu hỏi
Phan Thành An

Kiến nghị về việc: Dạy nghề cho người khuyết tật

50x50
Nội dung kiến nghị:

Anh trai tôi bị tai nạn ảnh hưởng đến khả năng đi lại vận động. Nên tôi muốn hỏi ở tỉnh ta có chính sách dạy nghề hay cơ sở nào dạy nghề dành cho người khuyết tật hay không. Để tạo điều kiện cơ hội cho anh tôi tham gia học nghề và tìm được công việc có thể nuôi sống bản thân sau này. Tôi xin chân thành cảm ơn!

50x50
Đơn vị trả lời:
Ngày trả lời: 28/04/2023

Trả lời kiến nghị:
 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Do không rõ anh trai của ông (bà) Phan Thành An bị tai nạn ảnh hưởng đến  khả năng đi lại, vận động, mức độ khuyết tật như thế nào, hiện nay bao nhiêu tuổi nên chưa thể trả lời và hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay đối với chế độ đào tạo nghề cho đối tượng là người khuyết tất được quy định cụ thể như sau:

- Đối với học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Hiện nay, tại tỉnh ta đang thực hiện Chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 05/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 46/2020/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND; theo đó Người khuyết tật thuộc đối tượng 1: được hỗ trợ chi phí đào tạo (mức hỗ trợ cụ thể đối với từng nhóm đối tượng được quy định trong phụ lục danh mục nghề đào tạo). Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/ngày thực học; người học cư trú ở xã, thôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khoá học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

- Đối với học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng: Tại tỉnh ta đang thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và Quyết định 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cáo đẳng, trung cấp; theo đó Sinh viên khuyết tật được miễn đóng học phí; được hưởng chính sách nội trú; được hưởng 100% mức tiền lương cơ sở/tháng thực học; và các khoản hỗ trợ khác (Hỗ trợ một lần số tiền 1.000.000 đồng/khóa đào tạo để mua đồ dùng cá nhân như: chăn cá nhân, áo ấm (nếu cần), màn cá nhân, chiếu cá nhân, áo đi mưa và quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo; Hỗ trợ 150.000 đồng đối với học sinh, sinh viên ở lại trường trong dịp tết Nguyên đán; Mỗi học sinh, sinh viên được hỗ trợ mỗi năm một lần tiền đi lại từ nơi học về gia đình và ngược lại: Mức 300.000 đồng/năm đối với học sinh, sinh viên ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Mức 200.000 đồng/năm đối với các đối tượng còn lại).

Hiện nay trong toàn tỉnh chưa có cơ sở, trung tâm đào tạo nghề dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên ông (bà) Phan Thành An có thể đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ninh Sơn, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận để được tư vấn, hướng dẫn, lựa chọn nghề (trong danh mục đào tạo) mà anh trai mình có khả năng, năng lực tham gia học. Trường hợp các người khuyết tật vận động nặng về tay chân có thể học các ngành Quản trị mạng máy tính, Kế toán... 


File đính kèm: Tải xuống